Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

Chiến lược định hướng phát triển của huyện

16/03/2012 08:45
Màu chữ Cỡ chữ

•    Phát triển kết cấu hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp

Ngay từ khi thành lập (ngày 1-1-2004), Đảng bộ và chính quyền huyện Cờ Đỏ đã xác định nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội là tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng đa dạng hoá cây trồng, vật nuôi nhằm tăng thu nhập của người dân. Trên cơ sở đó, huyện Cờ Đỏ đã từng bước khơi dậy và phát huy nội lực, tận dụng ngoại lực, tạo được sức mạnh tổng hợp nhằm thực hiện thành công mục tiêu phát triển nông nghiệp chất lượng cao, góp phần cùng các quận, huyện xây dựng thành phố Cần Thơ ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Diện tích đất sản xuất của huyện Cờ Đỏ chiếm 77,3% diện tích tự nhiên, chủ yếu phục vụ cho ngành nông nghiệp. Nơi đây có Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long - nơi quy tụ những nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp; Trung tâm giống Cần Thơ; Nông trường Sông Hậu - đơn vị luôn đi đầu trong ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp. Đó là những điều kiện thuận lợi để huyện Cờ Đỏ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Đồng thời, huyện luôn tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, bước đầu tạo ra thế và lực cho sự phát triển kinh tế của huyện.

•    Phát huy thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp

Với phương châm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, sau khi chia tách huyện, Ủy ban nhân dân huyện Cờ Đỏ tiếp tục thực hiện quy hoạch vùng lúa chất lượng cao, với cơ cấu giống năm 2004 gồm OM 2571, OM 2518, OM 1490, Jasmine. Bên cạnh những vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, huyện Cờ Đỏ còn đẩy mạnh triển khai quy hoạch vùng sản xuất đa canh, xen canh, với kết quả 1.176 ha thực hiện mô hình 2 lúa - 1 màu, 8.200 ha thực hiện mô hình 2 lúa - 1 thủy sản. Các mô hình trên không chỉ nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác (30 - 60 triệu đồng/ha), mà còn xây dựng được mối liên kết bao tiêu sản phẩm, tạo đầu ra ổn định và vững chắc cho nông dân.

Những kết quả này đạt được là nhờ huyện đã tăng cường kết hợp với các viện, trường, các cơ quan nông nghiệp, các doanh nghiệp thực hiện chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới như: IPM, 3 giảm - 3 tăng (giảm giống - phân bón - thuốc trừ sâu, tăng năng suất - chất lượng - lợi nhuận), hướng dẫn thâm canh lúa chất lượng cao, kỹ thuật trồng màu, hướng dẫn nuôi trồng thủy sản, sử dụng nông dược phẩm an toàn,... Đặc biệt, huyện đã tạo điều kiện cho nông dân giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình chuyển dịch cơ cấu có hiệu quả để lựa chọn, áp dụng phù hợp với điều kiện của từng vùng. Các hợp tác xã và tổ hợp tác tương trợ được củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động theo hướng tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các thành viên, góp phần giảm chi phí đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm.

•    Tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng

Được đánh giá là địa phương có thế mạnh về giao thông thủy, huyện Cờ Đỏ có những tuyến trục kênh lớn nối liền với các tỉnh Cà Mau, Hậu Giang, Giồng Riềng (Kiên Giang). Trong những năm gần đây, ngoài những kênh trục lớn, Trung ương và thành phố Cần Thơ cũng tăng cường đầu tư cho huyện phát triển các tuyến kênh tạo nguồn, tạo nên mạng lưới giao thông thủy dày đặc, vừa phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp, vừa mở ra cơ hội phát triển vận tải thuỷ. Tuy nhiên, hệ thống giao thông đường bộ và giao thông nông thôn của huyện Cờ Đỏ còn nhiều hạn chế, chưa đồng bộ. Toàn huyện chỉ có 01 tuyến trục lộ lớn 922, nhưng gần đây đã xuống cấp, các tuyến đường giao thông liên xã, liên ấp hầu như chưa được hoàn thiện, 4 xã chưa có đường ôtô đến trung tâm xã.

Để hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong điều kiện mới được thành lập, nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư cho công tác xây dựng cơ bản còn khó khăn, Ủy ban nhân dân huyện Cờ Đỏ chủ trương phát huy nội lực trong nhân dân là giải pháp quan trọng, đồng thời không ngừng tranh thủ ngoại lực. Chủ trương của huyện được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ, nhiều hộ dân tự nguyện đóng góp tiền của, sức lao động, hiến đất,... để cùng với huyện đẩy nhanh tiến độ đưa các công trình giao thông đi vào phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

Năm 2004, công tác xây dựng hệ thống giao thông nông thôn đạt được những kết quả khả quan: 250 cây cầu ván được làm mới với chiều dài 1.869 m, đạt 543,48% so với kế hoạch; tu sửa 276 cây cầu các loại với chiều dài 2.727 m, đạt 388,73% so với kế hoạch; tu sửa 27.858 m đường các loại, đạt 171,43% so với kế hoạch; nâng cấp 105.366 m đường đất, đạt 266,88% so với kế hoạch,... Với những thành công này, năm 2004, huyện Cờ Đỏ đã vinh dự được Bộ Giao thông - Vận tải tặng cờ thi đua.

Các tin khác

  • Kế hoạch sử dụng đất năm 2024 huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ (29/12/2023)
  • Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 – 2025 (29/01/2021)
  • Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 huyện Cờ Đỏ (29/01/2021)
  • Quyết định phê duyệt sử dụng đất năm 2019, 2020 của huyện Cờ Đỏ (25/03/2020)
  • Trang đầu 1 Trang cuối