Giới thiệu chung
- Địa giới hành chính
Huyện Cờ Đỏ là huyện vùng ven và nằm về phía tây của thành phố Cần Thơ, thành phố loại I trực thuộc Trung ương và là thành phố trung tâm của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Đông giáp huyện Thới Lai, Nam giáp huyện Giồng Riềng (tỉnh Kiên Giang), Bắc giáp quận Ô Môn và quận Thốt Nốt, Tây giáp huyện Vĩnh Thạnh.
Huyện có diện tích tự nhiên 31.047,67 ha, dân số 122.464 người, trong đó có hơn 9.000 người là đồng bào các dân tộc thiểu số (đông nhất là đồng bào dân tộc Khmer).
Huyện có 10 đơn vị hành chính trực thuộc gồm thị trấn Cờ Đỏ và các xã Đông Hiệp, Đông Thắng, Thới Đông, Thới Xuân, Thới Hưng, Thạnh Phú, Trung Hưng, Trung An và Trung Thạnh. Địa bàn huyện có 79 ấp.
- Truyền thống cách mạng
Cờ Đỏ là nơi ra đời Chibộ Đảng đầu tiên của tỉnh Cần Thơ cũ, Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng được thành lậpvào ngày 10 tháng 11 năm 1929. Trãi qua hai cuộc kháng chiến và công cuộc xâydựng, bảo vệ tổ quốc, huyện có xã Thới Đông được phong tặng danh hiệu Anh hùnglực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ cứu nước, phong tặng 08 Bà mẹ ViệtNam anh hùng, công nhận 267 anh hùng liệt sĩ, 79 thương bệnh binh, 26 người cócông với Nước.
- Kinh tế xã hội
Huyện Cờ Đỏ là vùng đất có nhiều tiềm năng, lợi thế về pháttriển sản xuất nông nghiệp với 26.491,22 ha đất sản xuất cây hàng năm, trong đótập trung nhiều nhất là trồng lúa.
Địa bàn huyện có Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Nông nghiệp Cờ Đỏ, Nông trường Sông Hậu, Trại giống trực thuộc Công ty giống cây trồng miền Nam – là những đơn vị đi đầu trong việc ứng dụng và nhân rộng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Thực hiện chủ trương đa dạng hóa các loại cây trồng vật nuôi, mô hình đưa cây màu xuống ruộng, nuôi cá trên ruộng lúa, nuôi cá ao thâm canh, chuyên canh, sản xuất cá giống từng bước được mở rộng; giữ vững quy mô đàn gia súc, gia cầm trên 450.000 con, … đã đưa giá trị sản xuất bình quân toàn huyện cuối năm 2010 đạt trên 68 triệu đồng/ha.
Với lợi thế có đường giao thông thủy bộ thuận tiện như đường tỉnh lộ 921, 922 nối liền trung tâm huyện với quận Ô Môn và quận Thốt Nốt, Quốc lộ 91; tuyến giao thông Bốn Tổng – Một Ngàn đi qua trung tâm huyện nối liền Quốc lộ 80 với thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang thi công sắp sửa hoàn thành cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc gắn kết giao thương giữa địa phương với địa bàn tỉnh Hậu Giang, huyện Vĩnh Thạnh và tỉnh Kiên Giang. Ngoài ra với hệ thống sông ngòi chằng chịt, đều khắp, đặc biệt tuyến kinh Đứng và kinh xáng Thốt Nốt là hai tuyến giao thông thủy quan trọng tạo điều kiện hết sức thuận lợi trong việc vận chuyển hàng hóa và phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các loại hình dịch vụ, thương mại, nhất là các loại hình chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đa dạng được sản xuất tại địa phương. Vì vậy sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp không ngừng được mở rộng và giá trị ngày càng tăng cao, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng ngàn lao động.
Lĩnh vực thương mại, dịch vụ ngày càng mở rộng về quy mô. Chợ thị trấn Cờ Đỏ, Trung An đang dần trở thành trung tâm đầu mối trong việc phân phối, cung cấp hàng hóa cho các chợ xã trong và ngoài địa bàn, thu hút ngày càng nhiều tiểu thương và các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh.
Toàn huyện có 49 trường học gồm các bậc học từ mầm non đến trung học phổ thông với hơn 18.570 học sinh các cấp theo học. Chất lượng giáo dục hàng năm đều tăng, trong đó trường trung học phổ thông Hà Huy Giáp trong những năm gần đây luôn là một trong những đơn vị dẫn đầu các trường trung học phổ thông toàn thành phố về tỷ lệ học sinh tốt nghiệp cuối cấp. Đến nay huyện cũng đã có 07 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia và duy trì thành tích đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ, phổ cập giáo dục bậc trung học cơ sở. 07/10 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; hai xã Trung Hưng, Trung An và đến nay đã có 47/79 ấp được công nhận đạt danh hiệu văn hóa.
Huyện có 62.495 đồng bào là tín đồ các tôn giáo như phật giáo Bắc tông, phật giáo Nam tông, Thiên Chúa, Hòa Hảo, Cao Đài, Tin Lành và 23 cơ sở thờ tự. Trong những năm qua các vị chức sắc, chức việc, nhà tu hành và bà con tín đồ đều hăng hái tham gia thực hiện các phong trào và đã có nhiều đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh.
Trên cơ sở những kết quả đạt được trong thời gian qua, phát huy tiềm năng, lợi thế, truyền thống của quê hương và quán triệt thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là tích cực hưởng ứng thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới theo tinh thần Quyết định 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tin tưởng rằng huyện nhà sẽ tiếp tục gặt hái được những thành công trong công cuộc xây dựng và phát triển của đất nước./.